Chật vật chưa qua
Với dự báo lượng khách trong hai tháng cuối năm cũng không có gì đột biến thì du lịch Quảng Nam sẽ trải qua gần trọn hai năm ách tắc. Quãng thời gian “đóng băng” lâu nhất so với các ngành kinh tế khác bị tác động bởi dịch Covid-19.
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và được dự báo sẽ phục hồi sau cùng bởi còn rất lâu nữa mọi thứ mới có thể trở lại như trước khi bùng phát dịch.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, Quảng Nam chỉ có 426 nghìn lượt khách lưu trú, 7 nghìn lượt khách tham quan, một con số nhỏ nhoi không thấm vào đâu để bù đắp chi phí vận hành các doanh nghiệp.
Thiệt hại ngành du lịch từ đầu năm 2021 ước tính đã lên đến 15 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp du lịch cố gắng hoạt động cầm chừng. Kể cả các cơ sở cung ứng dịch vụ được phép đón khách quốc tế thí điểm thì hiện số lao động cũng buộc phải cắt giảm rất nhiều so với trước.
Qua tổng hợp của Sở VH-TT&DL, doanh nghiệp lữ hành hầu như không được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập 30% và gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, bởi hầu hết không có doanh thu do đóng cửa hoặc không có khách.
Ngoài ra, chính sách giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh lữ hành chủ yếu khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, không có ý nghĩa nhiều đối với doanh nghiệp đã thành lập và đang bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An, trước nay các đơn vị lữ hành ở Quảng Nam làm tour nhỏ, lẻ rất tốt. Còn việc kết nối để tìm kiếm các tour trọn gói, khép kín, trong đó có các chuyến bay charter đón khách châu Âu trong bối cảnh hiện nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đa số doanh nghiệp, nhất là ở Hội An đều chuẩn bị kế hoạch vận hành trở lại, tuy nhiên cũng khá dè dặt về thời điểm mở cửa, tung sản phẩm mới bởi e ngại “thu không đủ bù chi”.
Cần tận dụng thời cơ
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, ngoài 3 cơ sở đã được đón thí điểm trong giai đoạn 1 thì 27 khách sạn được phép đón khách cách ly thời gian qua cũng như các đơn vị khác đáp ứng đủ điều kiện hoàn toàn có thể tham gia việc đón khách quốc tế trong giai đoạn 2 bắt đầu từ đầu năm 2022.
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng đề xuất, việc mở cửa du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 cần tính toán độ “mở” hơn, bởi việc du khách trải nghiệm các điểm đến như du thuyền trên sông, các làng nghề Trà Quế, Thanh Hà hoặc Cù Lao Chàm đều có không gian mở nên yếu tố rủi ro về dịch bệnh thấp.
“Quảng Nam đã và đang rất tích cực trong việc mở cửa du lịch, Hội An lại là điểm đến nổi tiếng trên bình diện quốc tế vì vậy đây là thời điểm quý giá để vực dậy du lịch Quảng Nam” – ông Phạm Vũ Dũng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hải Minh – đại diện khách sạn Citadines Pearl Hội An cho biết: “Đơn vị vẫn đang tiếp tục và chỉ phục vụ đón khách cách ly hồi hương bởi theo quy định hiện không được đón nhiều loại hình khách cùng một lúc.
Chúng tôi cũng đã đăng ký để được đón khách quốc tế vào giai đoạn 2. Do đi theo tour khép kín nên chúng tôi cũng phụ thuộc nhiều vào việc kết nối với đối tác để tìm kiếm khách theo tour trọn gói”.
Tại hội nghị bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam vừa diễn ra, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, đây là thời điểm cần sự liên kết của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm du lịch trong cùng một dòng sản phẩm.
Hiện du lịch văn hóa được nhiều thị trường khách ưa chuộng và có khả năng hình thành nhiều sản phẩm du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa vùng miền. Để thúc đẩy, hỗ trợ du lịch từng bước sớm phục hồi, đi kèm với việc mở cửa thí điểm tại 5 tỉnh thành trên toàn quốc, ngành du lịch quốc gia đã có kế hoạch xây dựng chiến dịch quảng bá chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn Việt Nam với chủ đề “Live Fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch “Việt Nam: Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận”.
Comment here